Chỉ còn 2 tuần nữa là tới Tết Nguyên đán, song vẫn còn rất nhiều người vẫn chưa có được tấm vé máy bay về quê vì giá cao bất thường.
Tăng hàng ngàn chỗ giá vẫn không “hạ nhiệt”
Những ngày cuối cùng của tháng 12, Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines thông báo tăng chuyến lần 3 với hơn 90.000 chỗ tương ứng 500 chuyến bay, cho mùa cao điểm tết từ 6.1 – 5.2 (tức từ 15 tháng chạp năm Nhâm Dần đến 15 tháng giêng năm Quý Mão).
Các chuyến bay tăng cường tập trung vào các đường bay giữa TP.HCM – Hà Nội, Vinh, Thanh Hóa, Đồng Hới, Chu Lai; Thanh Hóa – Đà Lạt. Đây đều là những chặng bay “hot” nhất, đã nhanh chóng khan vé ngay từ những ngày đầu hàng không mở bán vé tết. Cùng lúc, Bamboo Airways dự kiến tăng khoảng 15% tải, Vietjet Air tăng 30% số chuyến bay, cung ứng trên 12.000 chuyến, đưa lượng ghế cung ứng lên hơn 2,6 triệu ghế, tăng hơn 600.000 ghế so với lịch khai thác bình thường. Đáng nói là ngay sau thời điểm các hãng hàng không thông báo bổ sung cung ứng ghế, nhiều người dân đã “đỏ mắt” mà không kiếm được vé máy bay giá phổ thông.
Ngày nào cũng vào “canh” vé máy bay chặng từ TP.HCM – Hà Nội dịp tết, chị Quỳnh Loan (Q.3, TP.HCM) mỗi lần mở trang web của đại lý bán vé đều thở dài: “Vé tết năm nay đúng là kinh khủng. Giá cao chưa từng có”. Theo chị, hồi đầu tháng 12, khi mở trang web của Vietnam Airlines lên tìm mua vé, số chuyến bay còn rất nhiều nhưng giá thì “chóng mặt”. Toàn bộ các chuyến bay ban ngày giai đoạn từ 16 – 19.1 (nhằm 25 – 28 tháng chạp) đều hết sạch hạng vé phổ thông, chỉ có vé phổ thông đặc biệt giá hơn 5 triệu đồng/chiều; còn lại toàn vé hạng thương gia hơn 9,6 triệu đồng/chiều.
Chiều ngược lại từ Hà Nội – TP.HCM sau tết tầm mùng 7 – 8 tháng giêng cũng tương tự. Kinh nghiệm hơn 20 năm “săn” vé tết, chị Loan để ý thấy năm nào cũng có tình trạng giá vé khi mở bán rất cao nhưng gần tới tết lại bất ngờ “hạ nhiệt”. Nhận định có thể do các hãng cố tình “ém hàng”, bán giá cao trước, sau đó nếu “ế” mới “nhả hàng” lúc cuối, nên chị Loan tiếp tục chờ.
Vé máy bay Tết 2023 tăng cao kỷ lụcĐỘC LẬP |
Ngay sau khi các hãng thông báo bổ sung chuyến, chị Quỳnh Loan lại lập tức vào “soi” hết một lượt các hãng. Chặng TP.HCM – Hà Nội ngày 17.1 (26 âm lịch) – vẫn là hàng dài các chuyến bay đủ mọi khung giờ nhưng không 1 chuyến nào bay ban ngày có giá dưới 3,5 triệu đồng/chiều, kể cả Vietjet hay Vietravel Airlines. Nếu muốn có mức giá hợp lý hơn, chỉ có thể chọn bay đêm sau 23 giờ hoặc 2 – 3 giờ sáng.
Đáng chú ý, chiều vào sau tết ngày 29.1 (mùng 8 tháng giêng) chặng Hà Nội – TP.HCM của Vietnam Airlines không những không có thêm lựa chọn mà còn hết sạch các chuyến bay có mức giá chạm trần, chỉ còn hàng dài các chuyến giá từ hơn 5 triệu đồng/chiều cho tới gần 10 triệu đồng/chiều, kể cả bay đêm. Bamboo Airways cũng tương tự, bay 1 – 2 giờ sáng chỉ còn vé thương gia giá hơn 8 triệu đồng/chiều. Vietjet thì không còn chuyến bay nào trống chỗ. Mọi năm, chị Loan tốn khoảng 30 triệu tiền vé cho gia đình 4 người về quê ăn tết, nhưng năm nay mới mua được vé 1 chiều đã phải thanh toán gần 22 triệu.
“Tôi cũng xác định từ đầu là bay tết không có vé giá rẻ nhưng vì sao nói tăng chuyến mà vẫn không có thêm chỗ, thêm hạng vé cho người dân lựa chọn? Các hãng hay nói mở bán nhiều dải giá vé từ thấp đến cao nhưng thực tế thì chỉ có vé giá từ cao tới rất cao. Với những chuyến bay bổ sung sau thì không thể lấy lý do có người đặt sớm lấy hết dải vé thấp trước được”, chị Loan đặt vấn đề.
Hàng không là lĩnh vực liên quan đến dân sinh, lại mang tính độc quyền nhóm nên nhà nước phải quản lý giá trần để đảm bảo nhu cầu chính đáng của người dân.
TS Huỳnh Thanh Điền
Đem những bức xúc của khách hàng gửi tới hãng hàng không, đại diện Vietnam Airlines giải đáp: “Vé tết được bổ sung giai đoạn cao điểm từ 15 tháng chạp đến 15 tháng giêng. Một số chặng bay “hot” như TP.HCM – Hải Phòng không những tăng thêm chuyến, nhiều người mua được vé mà nếu mua vào ngày 15 tháng chạp thì còn có cả vé phổ thông tiết kiệm giá chỉ hơn 2 triệu đồng/chiều. Nói vậy để thấy chuyến bay nào cũng có nhiều dải giá. Khách muốn bay giờ đẹp, ngày đẹp, điều kiện lỏng thì trả giá cao; còn muốn giá thấp thì phải chấp nhận đi sớm, giờ xấu, điều kiện chặt. Dịp cao điểm như Tết Nguyên đán, không thể đòi hỏi giờ đẹp, ngày đẹp mà được giá tốt”.
Vị này cũng khẳng định Vietnam Airlines kinh doanh đúng nhu cầu thị trường, đúng quy định, không có chuyện “ém hàng” “làm giá” vì thị trường còn có hãng cạnh tranh và đặc thù của hàng không là không bán kịp thì mất hàng, mất luôn doanh thu, không thể cất kho sang năm bán tiếp như các mặt hàng khác.
Vì sao đã bán được nhiều còn đẩy giá vé lên cao ?
TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), thẳng thắn đặt vấn đề: “Nhà nước đã quy định giá trần cho vé máy bay. Căn cứ vào đâu để các hãng có thêm nhiều dải giá linh hoạt rồi niêm yết cao hơn mức giá trần? Đây có phải một loại biến tướng để phạm luật hay không?”. Ông Long phân tích: thị trường hàng không hiện nay dù có thêm một số hãng mới, thêm chuyến bay nhưng vẫn chưa có cạnh tranh thực sự nhưng cứ tới mùa lễ, tết là người dân vẫn phải trả giá rất đắt. Khó có chuyện người tiêu dùng không đủ tiền mua vé của Vietnam Airlines thì quay sang mua vé Vietjet, Vietravel Airlines rẻ vì các hãng khác ngoài chuyện bị hạn chế slot thì cũng tích cực đẩy giá cao kịch trần vì biết người dân bắt buộc phải mua. Hàng không viện lý do nhu cầu tăng quá cao nên vé giá thấp bán hết nhanh nhưng thực tế lượng khách di chuyển bằng hàng không năm nay so với 2019 cũng không tăng nhiều. Tại sao những năm trước giá vé không “căng thẳng” như năm nay? Trong khi đó, người tiêu dùng dù thấy giá tăng vô lý nhưng không thể chứng minh có bao nhiêu người mua vé, mua nhanh đến mức nào mà chỉ còn vé giá cao.
Nhu cầu đi máy bay về quê hiện nay không chỉ dành cho người có tiền mà đã mở rộng thêm cho nhiều đối tượng người lao động. Họ tích cóp tiền cả năm, muốn đi máy bay vì thời gian nghỉ tết ngắn, đi nhanh còn dành nhiều thời gian cho gia đình. Đặc biệt, trong điều kiện kinh tế khó khăn như năm nay, không nên để người lao động phải mua vé đắt đỏ quá mức như vậy.
TS Ngô Trí Long
“Cần lưu ý nhu cầu đi máy bay về quê hiện nay không chỉ dành cho người có tiền mà đã mở rộng thêm cho nhiều đối tượng người lao động. Họ tích cóp tiền cả năm, muốn đi máy bay vì thời gian nghỉ tết ngắn, đi nhanh còn dành nhiều thời gian cho gia đình. Đặc biệt, trong điều kiện kinh tế khó khăn như năm nay, không nên để người lao động phải mua vé đắt đỏ quá mức như vậy”, TS Ngô Trí Long nêu ý kiến.
Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền, giảng viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng không chỉ hàng không mà các loại hình vận chuyển hành khách khác cũng vậy, nếu tận dụng cao điểm để đẩy giá vé lên quá cao thì thiệt thòi cho người có nhu cầu. Nhà nước luôn chỉ đạo yêu cầu đảm bảo đủ phương tiện, ổn định giá cho người dân có điều kiện về quê ăn tết, song thực tế các doanh nghiệp luôn tận dụng nhu cầu tăng cao để tăng giá vé.
“Mùa cao điểm, các hãng bán được rất nhiều vé, ra bao nhiêu bán hết bấy nhiêu nên dù giữ nguyên giá thì lợi nhuận cũng đã rất lớn rồi. Thậm chí còn cần giảm giá vé so với ngày thường để giảm bớt gánh nặng cho người lao động mùa tết, thay vì dùng đủ mọi cách tăng hết mức có thể như hiện nay. Bằng chứng là trước đây, tình trạng căng thẳng vé tết rất “nóng” ở loại hình xe khách nhưng sau khi nhà nước can thiệp, một số nhà xe lớn đã triển khai bình ổn giá, ngày tết cũng bán vé như ngày thường và doanh nghiệp vẫn ghi nhận doanh thu, lợi nhuận tốt”, ông Điền nói.
Tin cùng chuyên mục:
Sinh mạng của trẻ em được lấy ra làm trò đùa của Nguyễn Thị Miện
Chung kết AFF Cup: Báo Thái Lan cực nể Văn Hậu, choáng ngợp thành tích bất bại 4 năm
Ngành chuyên gia dinh dưỡng dần mất uy tín – Nguyễn Thị Miện trở thành tội đồ
Đặng Văn Lâm chưa ăn mừng, dù phá sâu kỷ lục AFF Cup