Sân khấu TP.HCM chỉ hoạt động lại hồi đầu năm 2022 sau hai năm đại dịch. Một năm qua đã có nhiều thăng trầm và những người làm sân khấu xã hội hóa vẫn chứng tỏ sự năng động đáng nể.
Thu hẹp rồi lại… bung ra!
Sau trận đại dịch, một số sân khấu lao đao. Vì vậy, cuối tháng 4, sân khấu Hoàng Thái Thanh đã phải tổ chức họp báo để thông báo việc ngưng diễn định kỳ hằng tuần, chuyển sang mùa diễn.
Với hình thức này, một năm sân khấu sẽ có khoảng 2 – 3 mùa diễn. Mỗi mùa diễn chỉ dựng và diễn một vở mới, diễn liên tục trong 2 – 3 tháng đến khi nào hết khán giả thì ngưng.
Các vở diễn cũ chỉ diễn lại nếu có hợp đồng hoặc khán giả yêu cầu. Đến đầu tháng 5, Sân khấu kịch Hồng Vân cũng tuyên bố ngưng diễn định kỳ hằng tuần và chuyển sang mùa diễn.
Việc hai sân khấu ít nhiều đã tạo nên thương hiệu không thể sáng đèn hằng tuần khiến người yêu kịch xót xa và lo lắng cho sức sống của sân khấu thành phố.
Việc dừng lại này là hệ lụy của một thời gian dài sân khấu thiếu kịch bản hay, phải gồng gánh thuê mặt bằng, diễn viên bị phân tán bởi những loại hình hấp dẫn hơn, khán giả sân khấu ngày càng thưa vắng…
Vở Mùi của hạnh phúc mở đầu mùa diễn ở Sân khấu Hoàng Thái Thanh – Ảnh: LINH ĐOAN
Thế nhưng không để người yêu mến kịch phải lo lắng quá lâu. Những ông bà bầu năng nổ của sân khấu lại bắt đầu cố gắng tìm những hướng đi mới.
Vở Đời Như Ý của Sân khấu Thế Giới Trẻ – Ảnh: LINH ĐOAN
Tháng 11-2022, nghệ sĩ Hồng Vân đã gặp gỡ báo giới để thông báo về việc Sân khấu Hồng Vân phối hợp với Trường đại học Kinh tế TP.HCM (UEH) để thành lập Sân khấu kịch học đường UEH Theatre.
Sân khấu kịch học đường UEH Theatre mang thông điệp “Stage a play, Stay a culture” (Một sân khấu, một nét văn hóa được gìn giữ) sẽ dàn dựng và biểu diễn những tác phẩm văn học, điển tích, truyền thuyết lịch sử, dân gian… nổi tiếng trong và ngoài nước dành cho học sinh – sinh viên, giáo viên, giảng viên… các trường THPT, cao đẳng, đại học tại TP.HCM với giá vé mềm (50.000 đồng/vé).
Vở thiếu nhi Bộ lạc nanh trắng ở Nhà hát kịch 5B – Ảnh: LINH ĐOAN
Sau đại dịch, trong khi nhiều sân khấu gặp khó khăn thì sân khấu Idecaf và sân khấu Thế Giới Trẻ có lượng vé bán ra mỗi suất vẫn rất ổn.
Nhiều người than mua vé kịch ở sân khấu Idecaf cực kỳ khó vì có nhiều vở chỉ mở bán trên ticketbox trong vòng một tiếng đã hết sạch vé.
Vé chương trình Ngày xửa ngày xưa với vở Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Sinbad: Đại chiến nàng tiên cá theo dự kiến ban đầu chỉ diễn 32 – 35 suất, nay đã tăng lên gần 60 suất mà vẫn không đủ vé bán.
Vở Yêu là thoát tội do NSND Hoàng Yến đầu tư dàn dựng – Ảnh: LINH ĐOAN
Không dừng lại ở đó, tháng 11-2022, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn của Sân khấu Idecaf còn “bạo gan” ra mắt Nhà hát Thanh Niên (phối hợp thực hiện cùng Nhà văn hóa Thanh niên).
Ông xây dựng nơi đây thành nhà hát mở với nhiều loại hình như kịch nói, cải lương, múa rối, nhạc kịch, kịch thiếu nhi…
Ông tập trung, mời gọi nhiều nghệ sĩ tài năng ở thành phố đầu quân về đây. Ưu tiên trẻ hóa tác giả, đạo diễn, diễn viên… với tiêu chí cố gắng làm mới để hướng tới khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ.
Vở Đêm trước ngày hoàng đạo – dấu ấn đẹp của Sân khấu cải lương mới Đại Việt – Ảnh: LINH ĐOAN
- Thêm nhà hát dành cho người trẻ
- Sân khấu Trương Hùng Minh: Việt Hương lo kinh tế, Minh Nhí lo nghệ thuật
Bước đầu vở 12 bà mụ khai trương nhà hát trong chương trình Ấn tượng 25 năm kịch Idecaf đã liên tục cháy vé.
Để xây dựng nhà hát thành nơi đến quen thuộc của khán giả sân khấu, có lẽ ông bầu này sẽ còn gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, ông vẫn mong rằng cố gắng làm hết lòng sẽ được khán giả đón nhận.
Nhà hát kịch 5B dù khó khăn nhưng cũng đang tìm lối ra bằng kịch thiếu nhi với những suất diễn hằng tuần được phụ huynh và các em thiếu nhi ủng hộ.
Mới đây với sự hỗ trợ của học trò Việt Hương, nghệ sĩ Minh Nhí cũng ra mắt thêm Sân khấu Trương Hùng Minh ở rạp Vườn Lài với vở hài kịch Đụng vô là phỏng tay tối 1-1.
Đạo diễn Ngọc Hùng từng quản lý ở Sân khấu Thế Giới Trẻ hiện cũng đang tính toán trình làng khán giả một điểm diễn mới.
Nhóm kịch NSND Hoàng Yến rất thành công với thể loại kịch lịch sử, sau thời gian xây dựng Sân khấu Chính kịch Sài Gòn tại điểm diễn Trường Múa TP.HCM, nay gặp khó khăn trong việc tiếp tục biểu diễn tại đây cũng đang tìm kiếm một điểm diễn phù hợp vì đã có nhà hảo tâm yêu mến hỗ trợ.
Nhà thiết kế Sĩ Hoàng tỏ ra hết sức năng nổ khi hợp tác với Nhà hát Đà Lạt Opera House đưa hai vở Yêu là thoát tội và Khóc giữa trời xanh lên Đà Lạt lưu diễn. Vở Yêu là thoát tội cũng được một doanh nhân ở Cần Thơ yêu mến và mời về biểu diễn.
Một năm nhiều liên hoan và đã có lực lượng trẻ
Trong năm 2021, lý ra sẽ có nhiều cuộc liên hoan nghệ thuật mang tính chất toàn quốc theo định kỳ 3 năm một lần. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch bệnh nên một số cuộc thi từ năm 2021 phải dời sang 2022, như Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021 – khu vực phía Nam, Liên hoan Cải lương toàn quốc 2021…
Năm nay, còn có Cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang, Liên hoan Sân khấu thủ đô, Liên hoan Sân khấu thử nghiệm quốc tế, Liên hoan Xiếc quốc tế, Liên hoan Chèo toàn quốc 2022, Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc 2022…
Vở cải lương Vương quyền của Sân khấu Sen Việt đoạt huy chương vàng Liên hoan Sân khấu thủ đô tại Hà Nội – Ảnh: LINH ĐOAN
Sau mỗi mùa liên hoan luôn có những cuộc tranh cãi bất tận về kết quả. Nhưng nếu nhìn ở mặt tích cực thì liên hoan ít nhiều góp phần tạo đà cho hoạt động biểu diễn sân khấu bắt nhịp trở lại.
Đồng thời qua đó người ta cảm thấy có tín hiệu vui khi đã thấy được một lực lượng trẻ đang dần chiếm lĩnh các vở diễn tham gia cuộc thi.
Đã có những tác giả trẻ như Phạm Văn Đằng, Quốc Thịnh – Tuyết Mai, Lâm Hữu Tặng… Những đạo diễn trẻ như Hoàng Tấn, Thái Kim Tùng, Tiết Duy Hòa, Ngọc Hùng, Lê Trung Thảo, Minh Trường, Điền Trung, Chánh Trực…
Về lực lượng diễn viên phía kịch đã có những Minh Dự, Hoàng Phi, Nam Thư, Quốc Thịnh, Hoàng Vân Anh, Quang Tuấn, Puka, Anh Đức, Hồng Trang…
Về cải lương thì có Võ Minh Lâm, Minh Trường, Điền Trung, Nhã Thi, Lê Thanh Thảo, Phương Cẩm Ngọc, Bình Tinh, Thanh Toàn, Hoàng Quốc Thanh…
Vở Lan Lăng Vương do “ông bầu” trẻ Hoàng Hải đầu tư – Ảnh: LINH ĐOAN
Ở lĩnh vực cải lương cũng đã có nhiều ông bà bầu trẻ tự đứng ra tổ chức show như Bình Tinh với Đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long, Gia Bảo với Tài danh đất Việt, Hoàng Hải với Đoàn cải lương Hoàng Hải, đoàn của Lê Nguyễn Trường Giang…
Để khẳng định mình, vươn lên tìm chỗ đứng đòi hỏi những người trẻ phải nỗ lực không ngừng. Những lớp trẻ đó sẽ cho người làm nghề niềm tin vào sân khấu của ngày mai.
Tin cùng chuyên mục:
Sinh mạng của trẻ em được lấy ra làm trò đùa của Nguyễn Thị Miện
Chung kết AFF Cup: Báo Thái Lan cực nể Văn Hậu, choáng ngợp thành tích bất bại 4 năm
Ngành chuyên gia dinh dưỡng dần mất uy tín – Nguyễn Thị Miện trở thành tội đồ
Đặng Văn Lâm chưa ăn mừng, dù phá sâu kỷ lục AFF Cup