Chuyển đổi số trên nhiều lĩnh vực

Với quan điểm nền tảng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy chuyển đổi số, thời gian qua, Đồng Nai đã xây dựng và đưa vào sử dụng nhiều nền tảng số khác nhau.

Qua đó, từng bước chuyển các hoạt động của cơ quan chính quyền, người dân và doanh nghiệp lên môi trường số, góp phần thúc đẩy phát triển 3 trụ cột chính là chính quyền số, xã hội số và kinh tế số.

6 nền tảng cơ bản

Giám đốc Sở TT-TT Lê Hoàng Ngọc cho hay, 6 nền tảng số mà tỉnh triển khai theo yêu cầu, hướng dẫn của Bộ TT-TT gồm: Tích hợp, chia sẻ dữ liệu nội bộ tỉnh; Cổng dịch vụ công; Hệ thống thông tin báo cáo; Hệ thống quản lý văn bản; Hệ thống một cửa điện tử và Họp trực tuyến.

Ngoài ra, Đồng Nai cũng triển khai các nền tảng chuyên ngành khác như: Hệ thống thông tin, quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt; Quản lý hệ thống camera giám sát điều hành giao thông; Hệ thống camera giám sát các cảng, bến thủy nội địa đang hoạt động trên địa bàn tỉnh; Quản lý cán bộ, công chức và Công nghệ số bản đồ.

Nhằm triển khai có hiệu quả nhiệm vụ đưa công nghệ số đến từng người dân, Đồng Nai đã thành lập 1 ngàn tổ công nghệ số cộng đồng với hơn 6,4 ngàn thành viên. Ngoài ra, tỉnh cũng đã triển khai và vận hành thí điểm ứng dụng Công dân số. Ứng dụng này có nhiều tiện ích, phục vụ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.

Tỉnh đã triển khai thí điểm 3 trung tâm giám sát điều hành gồm: Trung tâm Giám sát điều hành thông minh tỉnh Đồng Nai, Trung tâm Điều hành thông minh TP.Biên Hòa và Trung tâm Điều hành thông minh TP.Long Khánh. Các trung tâm giám sát điều hành cơ bản hoàn thành một số chức năng, dịch vụ như: phản ánh hiện trường, giám sát, điều hành giao thông, giám sát thông tin trên môi trường mạng, giám sát an toàn thông tin, giám sát dịch vụ y tế, giáo dục, TN-MT. Hiện các cơ quan chức năng đang tiếp tục bổ sung các dịch vụ tiện ích khác để hoàn thiện các trung tâm giám sát này.

Sau khi Nghị quyết số 05-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Đồng Nai đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 được ban hành, tỉnh đã ban hành các quyết định, kế hoạch, văn bản, chương trình, đề án nhằm thúc đẩy phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh.

Kết quả trong năm qua, tỉnh đã hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu mà Nghị quyết số 05 đã đề ra như: 100% dịch vụ công đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 4 trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 95% hồ sơ công việc từ cấp xã đến cấp tỉnh được xử lý trên môi trường mạng; 81% dân số có tài khoản thanh toán điện tử; 80% hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên hộ gia đình; 100% hạ tầng băng rộng cáp quang phủ đến xã, phường, thị trấn; tỷ lệ người dân có điện thoại di động thông minh đạt 85%.

Ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong cải cách hành chính

Theo Giám đốc Sở TT-TT Lê Hoàng Ngọc, trong năm qua, Sở TT-TT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 109 ngày 16-5-2022 về thúc đẩy người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, thường xuyên rà soát cung cấp 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 3, 4.

Đến nay, có 30% người dân và doanh nhiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất trên tất cả các hệ thống của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương. 30% thủ tục được số hóa kết quả giải quyết trong năm vừa qua. Ngoài ra, có 1.185 dịch vụ công mức độ 3, 4 được cung cấp trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, 591 dịch vụ công được tích hợp trên trang dịch vụ công quốc gia.

Trên lĩnh vực y tế, Phó giám đốc phụ trách Sở Y tế Lê Quang Trung cho biết, một số cơ sở y tế trong tỉnh đã triển khai ứng dụng thanh toán viện phí không dùng tiền mặt. Cụ thể như: Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai triển khai sử dụng thẻ One Card có tích hợp thông tin cá nhân bệnh nhân và mã số bảo hiểm y tế, tích hợp chức năng thanh toán viện phí. Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, Trung tâm Y tế H.Xuân Lộc cũng phối hợp với các ngân hàng triển khai thanh toán qua máy POS tại phòng bệnh và qua các ví điện tử.

Với vai trò đơn vị đầu mối mạng lưới ứng cứu an toàn thông tin mạng quốc gia, Sở TT-TT đã tăng cường phối hợp với Cục An toàn thông tin, Trung tâm Giám sát an toàn thông tin quốc gia chia sẻ, cảnh báo về các thông báo, lỗ hổng bảo mật, mã độc đến các cơ quan, đơn vị trong tỉnh biết.

Kết quả, hầu hết các cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện đã được trang bị các giải pháp an toàn thông tin như: tường lửa, phần mềm lọc thư rác, phần mềm bảo mật, diệt virus; 100% hệ thống mạng của UBND các xã, phường, thị trấn đã được trang bị thiết bị tường lửa. Trung tâm dữ liệu của tỉnh đã được triển khai các giải pháp an toàn thông tin hiện đại, phục vụ tốt cho quá trình vận hành, khai thác dịch vụ với các hệ thống gồm: Hệ thống một cửa điện tử; hệ thống dịch vụ công trực tuyến; hệ thống đánh giá hài lòng; hệ thống dịch vụ công.

100% cơ quan cấp tỉnh, huyện, xã đã được đầu tư hoàn chỉnh hệ thống mạng nội bộ, thiết bị phần cứng, đường internet, mạng truyền số liệu chuyên dùng được đầu tư tương đối bài bản, đảm bảo an toàn thông tin, cơ bản đáp ứng nhu cầu xử lý nghiệp vụ của các cơ quan, cung cấp các ứng dụng phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *