TP Thủ Đức: Thiếu giáo viên triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018

Chiều 16-11, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM do bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM dẫn đầu đã có buổi làm việc với UBND TP Thủ Đức về giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông trên địa bàn TPHCM.

Mở đầu buổi làm việc, bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM cho biết, việc thực hiện đổi mới chương trình, SGK là vấn đề đã và đang thu hút nhiều quan tâm của xã hội.

Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua kế hoạch chuyên đề giám sát việc thực hiện đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông trên phạm vi cả nước từ nay đến hết năm 2023.

TP Thủ Đức: Thiếu giáo viên triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ảnh 1Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM phát biểu tại buổi làm việc

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Anh Phong, Phó trưởng phòng GD-ĐT TP Thủ Đức cho biết, các bộ SGK triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đều có kênh hình, kênh chữ rất đẹp, cách thiết kế trang sách bắt mắt, phù hợp tâm sinh lý học sinh.

Tuy nhiên, giá thành của một bộ sách khá cao so với thu nhập của bộ phận không nhỏ người dân, đặc biệt là gia đình có nhiều con học chương trình mới và gia đình khó khăn có thu nhập không ổn định.  

Liên quan vấn đề cơ sở vật chất, ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức thông tin, việc đáp ứng nhu cầu học tập của người dân hiện nay vẫn gặp khó ở một số khu vực, đặc biệt các khu vực đông dân nhập cư giáp ranh tỉnh Bình Dương.

Yêu cầu về trang thiết bị, đồ dùng dạy học còn gặp khó khăn ở nhiều đơn vị.

Việc bố trí vốn, các dự án liên quan bồi thường, giải phóng mặt bằng kéo dài nhiều năm.

Mặc dù địa phương đã dành nhiều chính sách ưu tiên để đầu tư sửa chữa, xây dựng cơ sở vật chất trường lớp, song công tác xây dựng chưa theo kịp tốc độ tăng dân số cơ học của địa phương.

Bậc tiểu học hiện nay còn thiếu 188 phòng học, THCS thiếu 47 phòng, dẫn đến tình trạng học sinh phải học 6, 7, 8 buổi/tuần hoặc 1 buổi/ngày, đa số các trường còn thiếu phòng học bộ môn.

TP Thủ Đức: Thiếu giáo viên triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ảnh 2Toàn cảnh buổi làm việc giữa Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM và UBND TP Thủ Đức

Hiện nay, do áp lực sĩ số học sinh nên một số trường phải tận dụng các phòng chức năng làm phòng học, ảnh hưởng chất lượng giáo dục và các hoạt động chung của đơn vị.

Bên cạnh đó, tỷ lệ giáo viên/lớp chưa đủ theo quy định, nhiều trường còn thiếu giáo viên các bộ môn âm nhạc, mỹ thuật, giáo dục thể chất, tiếng Anh, tin học…

Đơn cử, tại Trường THCS Hiệp Phú, Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hồng An cho biết, hàng năm, nhà trường đều xây dựng kế hoạch tuyển dụng viên chức nhưng vẫn chưa đảm bảo đủ số lượng giáo viên dự tuyển theo yêu cầu biên chế lớp được giao.

Trường THCS Hiệp Phú hiện thiếu giáo viên ở các bộ môn tiếng Anh, nghệ thuật, KHTN, ngữ văn và giáo dục thể chất.

TP Thủ Đức: Thiếu giáo viên triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ảnh 3Hiệu trưởng Trường THCS Hiệp Phú Nguyễn Thị Hồng An nêu khó khăn về tuyển dụng giáo viên

Để giải quyết vấn đề thiếu giáo viên, đơn vị đã liên hệ các đơn vị trường bạn trên cùng địa bàn lựa chọn đội ngũ giáo viên đã được tập huấn, bồi dưỡng Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 để hợp đồng thỉnh giảng tại đơn vị.

Riêng đối với các môn tích hợp ở khối 6, 7, cô Nguyễn Thị Hồng An cho rằng, tình trạng thiếu giáo viên gây khó khăn cho công tác triển khai các môn học.

Tương tự, tại Trường Tiểu học Linh Đông, Hiệu trưởng Phạm Thị Mười thông tin, trường còn thiếu 6 giáo viên ở các bộ môn tiếng Anh, tin học, giáo dục thể chất, âm nhạc và mỹ thuật.

Để đảm bảo và nâng cao chất lượng giáo dục, nhà trường hợp đồng thỉnh giảng các vị trí còn thiếu nhưng không tìm được nguồn giáo viên hợp đồng, nhất là giáo viên các môn âm nhạc, mỹ thuật.

Hàng năm đều có tình trạng giáo viên chuyển công tác, trong khi việc tuyển dụng viên chức không đủ ứng viên đăng ký theo nhu cầu.

“Vấn đề giữ chân đội ngũ đặt ra nhiều tâm tư trong bối cảnh thu nhập của giáo viên còn hạn chế. Chúng tôi đề xuất HĐND TPHCM và UBND các cấp nghiên cứu chính sách thu nhập cho đội ngũ nhà giáo nhằm thu hút giáo viên tâm huyết, gắn bó với nghề, thu hút ứng viên dự tuyển viên chức ngành giáo dục nhất là các chuyên ngành tiếng Anh, tin học”, cô Phạm Thị Mười bày tỏ.

TP Thủ Đức: Thiếu giáo viên triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ảnh 4Hiệu trưởng Trường Tiểu học Linh Đông Phạm Thị Mười tâm tư về chế độ, chính sách thu nhập cho giáo viên

Bên cạnh đó, trang thiết bị dạy học, máy vi tính mới đáp ứng nhu cầu dạy và học ở mức độ cơ bản. Diện tích sân bãi hẹp nên gặp khó khăn trong việc tổ chức hoạt động thể dục thể thao, hoạt động trải nghiệm, ngoài giờ lên lớp…

Đặc biệt, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Linh Đông cho biết, vẫn còn tình trạng giáo viên “ngại đổi mới”, thiếu kinh nghiệm xử lý tình huống cần sự hỗ trợ của ban giám hiệu.

Ở góc độ khác, thầy Võ Thanh Toàn, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thủ Đức tâm tư, đơn vị đang gặp khó khăn do chưa được cung cấp thiết bị, đồ dùng thực hành, thí nghiệm và kinh phí mua sắm thiết bị dụng cụ theo chương trình giáo dục mới.

Tới đây, Trường THPT Thủ Đức đề nghị Bộ GD-ĐT đẩy nhanh tiến độ biên soạn SGK các khối lớp 11, 12 theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 để nhà trường có sách sớm hơn nhằm chủ động thực hiện nhiệm vụ giáo dục.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *